Về làng nghề
100 TUỔI

Trưởng thôn Lý Văn Tiến, thôn Làng Chẩu, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) ví von chổi chít ở đây là dạng “chổi mòn”. Nghĩa là chổi chỉ mòn đi chứ không rụng, những bông chít cong theo chiều quét chứ không bị gãy gập. Thế nên thương hiệu “chổi chít Làng Chẩu” vẫn được ca tụng bao đời: “Chổi làm từ thứ lộc rừng/Mình dài, cán cứng, để dùng hàng năm”.
THƯƠNG HIỆU CHỔI CHÍT LÀNG CHẨU
Ở Làng Chẩu, nhiều người đều có thể phân biệt tay nghề làm chổi non hay lâu năm của một ai đó. Họ chỉ cần nhìn vào từng chiếc chổi của mỗi người làm là biết ngay. Chổi phải được cuốn chặt gọn gàng, đều tăm tắp, màu sắc của chổi là màu xanh cốm, thanh thoát đạt được tính thẩm mĩ. Đó là điều mà nhiều thợ làm chổi ở nơi đây luôn hướng tới và tự rèn mình để tạo ra được thành phẩm ưng ý xuất ra thị trường. Chính vì thế, thông thường một chiếc chổi ở nơi khác chỉ có “tuổi thọ” trong khoảng 3 tháng, riêng chổi ở đây được khách hàng “phản hồi”, thời gian sử dụng được 5 đến 6 tháng. Điều đó tạo nên thương hiệu riêng cho chổi chít Làng Chẩu.

Cụ Bàng Thị Ngoan nhiều năm gắn bó với nghề làm chổi chít.
Cụ Bàng Thị Ngoan nhiều năm gắn bó với nghề làm chổi chít.
Với người Dao nơi đây, chổi chít không chỉ là nghề mưu sinh mà đó còn là nếp làng của mảnh đất này bởi nghề đã tồn tại hơn 100 năm nay. Cụ Bàng Thị Ngoan, năm nay hơn 80 tuổi nói rằng, ngay từ hồi nhỏ đã thấy những bông chít trải trước sân nhà. Đi đến đâu cũng thấy nhà nhà làm chổi, trẻ con không cần phải dạy nhiều, nhìn mãi cũng quen rồi làm theo. Ngày đó con gái, con trai trong bản mới 7, 8 tuổi đã bó chổi thành thạo lắm.

Chị Bàn Thị Mai cùng con gái tranh thủ làm chổi chít những lúc nông nhàn.
Chị Bàn Thị Mai cùng con gái tranh thủ làm chổi chít những lúc nông nhàn.
Chị Bàn Thị Mai, một trong những người làm chổi đẹp và nhanh nhất nhì bản. Chị chia sẻ bí quyết: “Đối với gia đình tôi, sau khi thu mua bông chít về, tôi không phơi nắng mà treo trong hiên nhà, tránh nắng, gió để bông chổi giữ màu xanh cốm như lúc mới hái. Bông chít treo từ 2 - 3 tháng mới sử dụng được. Sau khi đập rụng hết hoa và loại bỏ những bông vàng thì bó lại thành từng bó nhỏ (gọi là con chổi). Khi đủ 10 con chổi thì bắt đầu cuốn chổi, chặt đầu, đuôi và đóng cán. Tất cả đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn sức lực nhiều. Nghe qua có vẻ dễ thế nhưng để làm một cây chổi đẹp, mắt chổi đều, lưỡi chổi xòe thì rất cần sự khéo léo, tinh tế”.




Chổi chít Làng Chẩu được làm khá cẩn thận, trau chuốt nên sản phẩm làm ra vừa đẹp mắt và bền
Chổi chít Làng Chẩu được làm khá cẩn thận, trau chuốt nên sản phẩm làm ra vừa đẹp mắt và bền
LY NÔNG BẤT LY HƯƠNG
Chị Triệu Thị Hà, năm nay hơn 30 tuổi, có chồng và 2 con. Chị Hà từng có ý định đi làm công nhân ở Bắc Ninh để có thu nhập ổn định. Cũng như chị Hà, nhiều chị ở thôn Làng Chẩu như Lý Thị Thân, Triệu Thị Kiều, Đặng Thị Sao… từng có ý định như vậy. Thế nhưng các chị đã lựa chọn ở lại quê hương để gắn bó với nghề làm chổi.

Nhiều người trẻ lựa chọn ở lại quê hương để lập nghiệp với nghề truyền thống.
Nhiều người trẻ lựa chọn ở lại quê hương để lập nghiệp với nghề truyền thống.
Chị Triệu Thị Hà cho biết, làm chổi chít khá đều việc. Nếu chịu khó thì mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày 2 người phụ nhau, nhanh tay có thể làm được 70 sản phẩm. Các mối khách quen là các đại lý ở thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái... thường thì họ đặt 200 - 300 sản phẩm/lần. Chị Hà luôn nghĩ đâu cần đi đâu mưu sinh xa xôi. Nếu ở làng có nghề trong tay thì vừa kiếm sống vừa giữ cho nghề truyền thống không bị mất đi.

Có nhiều lúc người làm chổi chít làm không hết việc.
Có nhiều lúc người làm chổi chít làm không hết việc.

“Ly nông bất ly hương” đã trở thành điều quen thuộc đối với người dân nơi đây. Trưởng thôn Lý Văn Tiến cho biết, thôn Làng Chẩu có 215 hộ dân, trong đó hộ nghèo là 15 hộ, nhiều hộ khá giả từ nghề làm chổi. Những năm gần đây, nhiều người trẻ không lựa chọn đi làm ăn xa mà ở lại quê hương làm nghề truyền thống. Để bắt nhịp xu thế, nhiều bạn trẻ còn tự hào giới thiệu làng nghề trên các trang mạng xã hội để kết nối quảng bá sản phẩm.

Các sản phẩm làm ra được các bạn trẻ tự tin giới thiệu trên mạng xã hội.
Các sản phẩm làm ra được các bạn trẻ tự tin giới thiệu trên mạng xã hội.
Em Bàn Thị Hoa (sinh năm 2000) chia sẻ: “Thi thoảng em cũng chụp ảnh đăng bài trên trang facebook cá nhân để giới thiệu cho bạn bè gần xa ủng hộ sản phẩm chổi chít Làng Chẩu. Em lựa chọn ở lại quê nhà để cống hiến sức trẻ, đồng thời giữ gìn làng nghề. Hiện nay, đa số các bạn trẻ đều biết làm nghề và hỗ trợ gia đình những lúc nhàn rỗi”.







Nông dân nơi đây tự tin đầu ra của sản phẩm trên thị trường.
Nông dân nơi đây tự tin đầu ra của sản phẩm trên thị trường.
TRĂN TRỞ LÀNG NGHỀ
Nếu như nghề truyền thống khác loay hoay với đầu ra, tìm thị trường thì nghề làm chổi ở Làng Chẩu lại khó khăn trong đầu vào, khan hiếm nguyên liệu. Chị Lý Thị Minh nói rằng, thực tế chổi chít không lo “ế”, sản phẩm làm ra đến đâu bán đến đấy. Thực tế thì cây chít chỉ dồi dào vào 3 tháng đầu năm. Gia đình nào có vốn thì mua khoảng 15-20 tấn dùng cho cả năm. Nếu như giá 1 kg chít trung bình là 25.000 đồng thì hộ sản xuất phải có 250 - 300 triệu đồng để mua nguyên liệu. Vì không có nhiều vốn nên đa số hộ dân phải mua nhỏ giọt, mua đến đâu làm đến đấy, rồi quay vòng vốn.

Nguyên liệu chít khá khan hiếm, người làm nghề khó khăn trong đi tìm nguyên liệu.
Nguyên liệu chít khá khan hiếm, người làm nghề khó khăn trong đi tìm nguyên liệu.


Nhiều năm nay, nguồn nguyên liệu làm chổi bắt đầu khan hiếm. Trước đây, bà con thường tìm mua tại các địa phương trong tỉnh... nhưng nay phải chủ động liên hệ tìm kiếm tại các thôn, bản ở tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguyên liệu cũng có sẵn mà trên thực tế có lúc cả tuần đi thu mua nhưng chỉ mang về được khoảng 5 tạ bông chít. Chị Triệu Thị Hà tiếc nuối bảo, có thời điểm khách đặt hàng nhiều nhưng cũng đành chịu vì nguyên liệu khan hiếm. Nhiều thương lái nắm bắt được điểm yếu này, họ tích trữ chít rồi ép giá lên cao.

Bà con mong muốn thành lập được 1 tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để tạo sự quy củ tránh tình trạng "mạnh ai người nấy làm".
Bà con mong muốn thành lập được 1 tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để tạo sự quy củ tránh tình trạng "mạnh ai người nấy làm".
Có một điều mà rất nhiều bà con mong muốn đó là cần tạo được quy mô làng nghề cho chổi chít Làng Chẩu. Trưởng thôn Lý Văn Tiến cho biết: "Từ bao năm nay bà con vẫn quen với cách làm tự mình đi tìm nguyên liệu, tự xoay vốn, tự đi tìm đầu ra. Với cách thức làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún không có tính liên kết, mạnh ai người nấy làm nên giá trị sản phẩm chưa cao. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương thành lập được tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động. Mọi quy trình sẽ đi vào quy củ khi có người đứng ra đại diện từ khâu thu mua nguyên liệu, đến khâu sản xuất rồi đem đi tiêu thụ. Từ đó xây dựng được giá trị sản phẩm, có đầu vào, đầu ra ổn định, từng bước hình thành thương hiệu chổi chít Làng Chẩu".







Làng Chẩu, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) nhìn từ trên cao.
Làng Chẩu, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) nhìn từ trên cao.
Thực hiện nội dung: Giang Lam
Ảnh, thiết kế: Ngọc Hảo, Quang Hòa, Giang Lam, Tuệ Minh
Xuất bản ngày 18/10/2022