
“Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” – lời Bác dạy đã được lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam học tập và noi theo. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có những cống hiến to lớn cho nền hòa bình, độc lập, tự do của đất nước. Ngày nay, những cựu TNXP vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, tích cực giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Gặp nữ TNXP “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”
TRONG những trang đầu của cuốn lưu bút đã úa vàng là lời thiết tha: “Nhuận mến! Hai năm qua ấy mà, hai năm đã ghi lại bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc mà mãi mãi không ai quên được. Anh nhớ kỹ Nhuận, một cô gái có nhiều sắc thái đặc biệt…Một cô gái đã từng chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi, càng gian khổ lại càng cứng rắn. Nhuận ơi, trưởng thành trong lý tưởng”.
Những dòng lưu bút này được bà Hoàng Thị Nhuận, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), cựu TNXP giữ gìn cẩn thận hơn 50 năm qua, là tài sản vô giá mà bà mang theo bên người từ Trường Sơn khói lửa. Bà sinh ra tại mảnh đất Nam Định, năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bà viết đơn xin vào TNXP, ngày ấy cha mẹ mất sớm, nhà lại khó khăn, cô gái nhỏ Hoàng Thị Nhuận chỉ nặng có 36kg, phải xin mãi cán bộ và đội trưởng mới cho cơ hội theo đơn vị hành quân.

Cựu TNXP Hoàng Thị Nhuận bên những kỷ vật từ Trường Sơn khói lửa.
Cựu TNXP Hoàng Thị Nhuận bên những kỷ vật từ Trường Sơn khói lửa.
Ngày lên đường, nhà chỉ còn khoai lang luộc, mấy người bạn thân tiễn bà lên đường, vậy mà lúc đấy khí thế, nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn căng tràn lồng ngực. Sau này, ai cũng bất ngờ vì một cô gái nhỏ bé, gầy còm lại có thể hành quân đường dài, không một lần ốm mệt. Vào đến Quảng Bình, bà được phân công nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đảm bảo an toàn cho bộ đội và đoàn xe chở hàng chi viện cho tiền tuyến.

Huân huy chương cùng những kỷ vật vô giá mà bà Nhuận gìn giữ
Huân huy chương cùng những kỷ vật vô giá mà bà Nhuận gìn giữ
Bà kể lại, phá bom nổ chậm chính là một nhiệm vụ ở trên lằn ranh sinh tử, bất cứ lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần để hy sinh, nhiều lễ truy điệu sống được tổ chức cho bà và đồng đội bởi không ai biết trước mình liệu có còn sống để trở về. Nhưng tuyệt nhiên, ngày ấy không một ai lùi bước, không một ai sợ hãi bởi tất cả ý thức được điều mình đang bảo vệ là Tổ quốc, là quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước,” “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” “ở đâu chiến trường cần là Thanh niên xung phong có mặt,” “ở đâu có giặc là Thanh niên xung phong xuất quân.”

Cựu TNXP Hoàng Thị Nhuận cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm xưa.
Cựu TNXP Hoàng Thị Nhuận cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm xưa.
Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước miền Bắc đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.



Một tác phẩm gỗ lũa của ông Nguyễn Quang Vịnh.
Một tác phẩm gỗ lũa của ông Nguyễn Quang Vịnh.
Phát huy vai trò TNXP trong thời bình
VỚI phương châm “lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu” các cựu TNXP luôn phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, các hoạt động tại địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào, cuộc vận động: “Cựu TNXP nêu gương sáng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm kinh tế giỏi - vì nghĩa tình đồng đội” được cựu TNXP hưởng ứng tích cực.
Gặp ông Nguyễn Quang Vịnh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hoá) ấn tượng đầu tiên mà ông để lại cho mọi người luôn là tinh thần trẻ trung, hiền hoà. Gần 15 năm làm chi hội trưởng, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho chi hội hoạt động như: tặng sổ tiết kiệm cho cựu TNXP là hộ nghèo, khó khăn, tặng quà cho hội viên cựu TNXP.

Ông Nguyễn Quang Vịnh bên những tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật ở trong xưởng.
Ông Nguyễn Quang Vịnh bên những tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật ở trong xưởng.
Để có được thành quả như ngày hôm nay là nỗ lực không ngừng nghỉ của người cựu TNXP. Ông Vịnh chia sẻ, trước đây gia đình cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, 2 vợ chồng ông đều là công nhân thuộc ngành giao thông cầu đường, lương thấp, nuôi 4 con ăn học vất vả, ông đã quyết định xin về hưu sớm tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Ông đã bàn với vợ quyết định vay vốn ngân hàng mở xưởng chế tác gỗ lũa cảnh. Năm 2000, xưởng gỗ lũa của ông bắt đầu hoạt động. Với đôi tay khéo léo, tài hoa ông đã tạo ra những tác phẩm lũa cảnh chất lượng cao, có tính nghệ thuật độc đáo.

Dần dần những sản phẩm được nhiều người biết đến, ưa chuộng và đã được đưa đi triển lãm ở các hội chợ của huyện, tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong nước. Xưởng từ hoạt động đơn lẻ chỉ có một mình, nay đã phát triển mạnh, có từ 5 - 7 thợ làm việc thường xuyên. Thợ của xưởng đều là con em đồng đội, với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Đến thôn Lăng Quậy, xã Hoà Phú (Chiêm Hoá) không ai là không biết người cựu TNXP Nông Thị Hạng, Chi hội trưởng Chi hội TNXP xã Hòa Phú. Bà là một trong số những người thanh niên đi đầu trong việc mở tuyến đường Chinh – Minh Đức (Chiêm Hoá) vào năm 1966 khi bà tham gia TNXP góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ .
Giờ đây, khi tuổi đã cao nhưng bà luôn là một tấm gương sáng ở địa phương, được đoàn viên, thanh niên trong xã kính trọng, học tập và noi theo. Chị Ma Thị Hậu, Bí thư Đoàn xã Hoà Phú chia sẻ: “Năm 1985, sau thời gian công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa, bà Nông Thị Hạng về nghỉ chế độ hưu trí. Bà là một người TNXP ưu tú, một người công dân mẫu mực, chính vì vậy mà lớp đoàn viên trẻ chúng tôi luốn lấy bà làm tấm gương trong cuộc sống.

Cựu TNXP Nông Thị Hạng luôn nhận được sự quan tâm của các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã.
Cựu TNXP Nông Thị Hạng luôn nhận được sự quan tâm của các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã.
Mỗi lần đến thăm, nghe bà kể chuyện xưa là chúng tôi lại càng thêm cảm phục. Bà thường dặn, thanh niên có sức trẻ, có nhiệt huyết thì phải nỗ lực không ngừng, đừng ỷ lại, trông chờ vào người khác mà phải nỗ lực vươn lên. Đất nước giờ đây hội nhập, ngày một giàu mạnh, thanh niên làm kinh tế phải nghĩ đến cả cho quê hương, làm sao cho quê mình cũng đổi thay, phát triển”.
Theo thống kê của Hội Cựu TNXP tỉnh, đến nay hội đã tập hợp được trên 1.600 hội viên. Cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được cụ thể hóa bằng phong trào thi đua: “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội”. Tùy theo sức khỏe của từng hội viên cũng như điều kiện gia đình, các hội viên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 83 cựu TNXP làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 50-120 triệu đồng/năm. Qua đánh giá hàng năm, 100% hội viên cựu TNXP đạt danh hiệu “Tuổi cao gương sáng” và 96% gia đình cựu TNXP đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Mặc dù, hầu hết các cựu TNXP tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu nhưng những đóng góp, nỗ lực của họ trong thời chiến cũng như thời bình sẽ là nguồn động lực để thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp truyền thống tự hào của lực lượng TNXP.